Home » Thơ văn » Ký ức độc quyền –

Ký ức độc quyền –

*Truyện ngắn của THIÊN DI
 
Buổi chiều, nắng xiên ngang vòm lá của cây phượng già bên cạnh ô cửa sổ lớp học, tạo thành những vệt lấp lóa trên chiếc bàn học bằng gỗ chi chít những dấu viết của những học sinh các khóa trước. San ngồi mân mê những con chữ khắc nguệch ngoạc trên bàn rồi khẽ thở dài. Hôm nay đã là tuần học cuối cùng của khối 12, con số đếm ngược được cô chủ nhiệm lớp ghi ở góc bảng đen đã gần lùi về 0. Không khí trong lớp mấy ngày này trầm lắng hẳn. Chỉ có một chuyện khiến bọn trẻ hào hứng đôi chút, đó là việc lớp chuẩn bị chụp một bộ hình kỷ yếu.
 
San cũng muốn tham gia vào việc bàn ý tưởng chụp hình, thuê trang phục cùng các bạn, nhưng cô bé bỗng nhìn xuống đôi chân mình rồi lặng lẽ lăn bánh xe lăn ra khỏi lớp.
 
Những ngày cuối năm học khép lại bằng một đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 bùng phát. Những buổi học cuối cùng San chỉ nhìn thấy bạn mình trên màn hình máy tính, việc chụp ảnh kỷ yếu cũng vì thế phải tạm hoãn.
 
San ngồi trước bàn học, cô bé mở album ảnh trong chiếc điện thoại ngắm những tấm hình mình chụp cây phượng già bên lớp học, cô chủ nhiệm cười thật tươi, thầy dạy Lý với cây thước “huyền thoại”, món bánh tráng trộn trước cổng trường và từng đứa bạn trong lớp mà San đã lén chụp lại. Trông thấy con gái ủ rũ, Diệu bèn đi đến vỗ về: “Vài hôm nữa hết giãn cách, con lại được gặp các bạn thôi mà, lớp còn phải đi chụp hình với nhau nữa chứ”. Níu lấy cánh tay mẹ, San bỗng cúi đầu nhỏ giọng: “Con… thực ra con không muốn chụp hình kỷ yếu đâu ạ. Chân con thế này… bất tiện lắm…”.
 
Diệu không ngờ con gái mình lại có suy nghĩ như vậy. Bởi trước nay, mặc dù San bị bại liệt, từ nhỏ phải ngồi xe lăn, nhưng dường như con gái cô chưa khi nào thể hiện nỗi buồn về khiếm khuyết cơ thể mình như bây giờ, Diệu cũng đã mặc nhiên coi đó là chuyện bình thường, nên giờ đây cô lại không biết an ủi con như thế nào. 

 

Buổi sáng cuối tuần, Diệu lục tìm trong tủ sách lôi ra một cuốn sổ bìa xanh đã phai màu với dòng chữ mạ vàng ghi “Kỷ yếu lớp 12C8 – Một thời để nhớ”. Cô đem tới trước mặt San rồi bảo: “Con có muốn xem kỷ yếu thời phổ thông của mẹ không?”, San hơi bất ngờ, cô bé không nghĩ rằng thời mẹ mình đã chụp hình kỷ yếu. Cuốn kỷ yếu của Diệu rất đơn giản, trong mỗi trang giấy được dán chừng chục tấm hình thẻ cỡ 3×4, bên dưới đề họ tên, ngày tháng năm sinh của mỗi người, mỗi trang được vẽ viền hoa lá bằng bút mực tím. Sau những trang hình là vài dòng của những thành viên trong lớp, người viết dài cả trang, người chỉ vỏn vẹn vài chữ, có trang chỉ là hình ảnh hài hước được vẽ bằng bút chì màu. Tất cả đều phủ lên một lớp ố vàng – màu của thời gian.
 
Cùng con lần giở những trang giấy, Diệu chỉ vào từng tấm hình rồi kể: “Chú này ngày xưa học giỏi lắm, là thần tượng của cả trường mẹ luôn. Giờ chú ấy làm việc ở nước ngoài rồi. Cô Liên này, cô giáo tiểu học của con đấy, ngày trước cô ấy nghịch ngợm lắm, ai ngờ lớn lên lại làm cô giáo cơ chứ. Mẹ nể chú này nhất nè, ngày trước chú ấy còn làm phép tính 1/2+1/2 bằng 2/4 cơ, vậy mà giờ chú ấy làm kinh doanh, gia đình khá giả lắm. Đây là cô chủ nhiệm của mẹ này…”, chỉ đến đây Diệu bỗng thở dài: “Cô giáo mẹ giờ tóc đã bạc trắng đầu rồi. Bao nhiêu thế hệ học trò đi qua mà lần nào gặp cô cũng nhớ tên từng đứa”.
 
Trong cuốn kỷ yếu có hai tấm hình còn rất mới, hình như chỉ vừa dán vào chưa lâu, một tấm là hình chân dung nhưng người trong ảnh trông đã lớn tuổi với nét cười ngây ngô, bên dưới là tấm hình tập thể với những khuôn mặt đã hằn dấu vết của thời gian, hơn 30 người ngồi vây quanh người đàn ông ở tấm hình chân dung trên. San thắc mắc, Diệu bảo: “Đấy là chú Linh. Chú ấy, cũng là bạn thời cấp 3 của mẹ, năm cuối cấp, lúc cả lớp đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp thì chú ấy gặp tai nạn chấn thương sọ não, nằm liệt giường gần 20 năm rồi. Thế nên, chú ấy không có hình trong kỷ yếu. Năm nào cả lớp cũng đến nhà thăm chú ấy dù chú không còn nhận ra ai nữa… Vì thế, vừa rồi mẹ đã đề xuất chụp cho chú ấy một tấm, vì chú ấy cũng là thành viên của lớp mà”.
 
Khuôn mặt Diệu khi kể về chuyện của những người bạn cũ phảng phất chút buồn, nhưng cũng ánh lên sự yêu thương, trân trọng. San chưa từng thấy mẹ mình như thế bao giờ.
 
“Còn mẹ? Trong lớp mẹ là người như thế nào?”, San bất ngờ hỏi. Diệu khẽ mỉm cười, tay Diệu khẽ sờ lên tấm ảnh của chính mình trong cuốn kỷ yếu, trong ảnh cô gái có mái tóc đen dài buông xõa xuống hai vai, khuôn mặt điềm tĩnh đang nhìn lại Diệu. “Mẹ thì… không có gì đặc biệt cả. Mẹ học không giỏi, cũng không có năng khiếu gì. Tính cách cũng đơn giản. Nói chung mẹ rất nhạt nhòa so với các bạn cùng trang lứa thời ấy”. “Nhưng con biết mẹ rất yêu và nhớ những người bạn trong lớp mẹ. Bởi vì con thấy mẹ có thể nhớ được tính cách từng người, nhớ những kỷ niệm cũ. Mẹ còn biết và quan tâm đến cuộc sống hiện tại của các bạn mình nữa mà”.
 
Mục đích ban đầu của Diệu khi đem cuốn kỷ yếu của mình ra chia sẻ với con gái là để an ủi San, nhưng sao San lại đang an ủi lại mình thế này? Diệu ngẫm nghĩ rồi khẽ cười: “Sao con biết?”.
 
– “Con biết chứ, vì con cũng giống như mẹ mà”, San bảo. 
 
Trưa hôm sau, đi làm về, Diệu thấy nhà mình chật kín bóng áo trắng. Nhìn thấy Diệu, đám học sinh lao nhao: “Con chào cô”, “Con chào mẹ bạn San”, “Dạ, hân hạnh được gặp mẹ bạn San ạ”, một thằng bé lém lỉnh lao ra nắm lấy tay Diệu.
 
– “Nè nè, trò Thiện, đừng có mà giỡn nhây với mẹ tui nha”, San la lớn.
 
– “Tui chào mẹ trò chứ có đùa giỡn chi đâu mà trò khó tính quá. Nể tình bạn chung bàn tui tha thứ cho trò nghen”, thằng bé tên Thiện hài hước, cả đám phá ra cười.
 
Thương, cô bé bạn thân của San, lại gần Diệu thỏ thẻ: “Mẹ Diệu cho bọn con đưa San đi chụp kỷ yếu nha. Nay hết giãn cách xã hội rồi, bọn con cũng tranh thủ, chứ vài hôm nữa ai cũng bận rộn thi cử, sợ là không còn thời gian nữa”. Diệu đưa mắt nhìn San, cô bé khẽ gật đầu bẽn lẽn. “Cô cứ yên tâm, con – bạn cùng bàn của San xin hứa sẽ đưa bạn ấy đi, đón bạn ấy về một cách an toàn trên chiếc xe đạp điện thân yêu của con”, Thiện với vẻ mặt nghiêm trang hùng hồn tuyên bố khiến Diệu và đám học trò lại được trận cười ra nước mắt.
 
San mặc bộ áo dài trắng, tay ôm bó phượng đỏ rực mà bạn bè đem tới, mái tóc dài buông xõa xuống vai, dù ngồi trên xe lăn, nhưng con gái cô nom vẫn không khác biệt là mấy so với các bạn, nhìn con gái Diệu như thấy lại bóng dáng mình trong đó.
 
Mùa hè dần qua, cuốn kỷ yếu của lớp San được gửi đến. Trong cuốn kỷ yếu ấy không chỉ có những hình ảnh mà lớp đã cùng nhau chụp mà còn có những tấm ảnh được chụp bất chợt, bắt lấy từng khoảnh khắc vui – buồn – hờn – giận của cả lớp trong suốt 3 năm học trung học phổ thông. Phần lớn là ảnh San chụp bằng điện thoại, nhưng cũng có không ít ảnh chụp lại một cô gái nhỏ đang ngồi xe lăn nhìn ngắm khung trời ngoài cửa lớp, cô gái có nụ cười tỏa nắng vui cười cùng bạn dưới sân trường…
 
Ôm cuốn kỷ yếu vào lòng, San nói với Diệu: “Vậy là con đã không bỏ lỡ điều gì trong cuộc đời học sinh của mình phải không mẹ?”
 
Khẽ gật đầu trả lời, Diệu nghĩ, những ký ức của con gái cô hay của chính bản thân Diệu chắc chắn sẽ không bao giờ phai nhòa và cuốn kỷ yếu như chiếc cầu nối để lưu giữ những ký ức độc quyền ấy – ký ức mà mỗi con người chỉ được trải nghiệm một lần duy nhất trong đời – ký ức về thời hoa niên rực rỡ./.
 

Nguồn: Baoquangngai.vn

Check Also

Nước ngập đồng làng

– Ông Tư nằm trên chiếc võng móc dưới tán cây xoài. Trời nắng cùng …